Năm 1994, cha và chú tôi làm giấy ủy quyền cho tôi thừa kế và toàn quyền sử dụng nhà cửa vườn tược của ông nội để lại.
Thời điểm đó, không ai có ý kiến gì vì các cô chú đã ly hương nhiều năm, vào Sài Gòn định cư, làm ăn, còn động viên tôi bám trụ quê hương lo hương khói cho tổ tiên. Từ đó đến nay tôi sống, xây lại nhà và đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình, đóng thuế nhà đất theo quy định pháp luật rõ ràng.
Cuối năm 2021, chú và hai cô ra ăn Tết lại nói tôi phải cắt đất chia cho họ, vì đó là sản ông để lại chung cho 4 con. Tôi có đề nghị chia cho mỗi cô chú một khoản tiền tượng trưng, do đất hiện nay không chỉ tôi ở, mà còn có nhà thờ họ, chia chác sẽ phức tạp và bất tiện, nhưng cô chú nhất định không chịu.
Trong trường hợp này, tôi có được giữ lại mảnh đất hay phải chia?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 (Pháp lệnh này đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm ông bạn mất) về di chúc miệng thì trong trường hợp tính mạng bị đe doạ nghiêm trọng mà không thể lập di chúc viết được thì có thể lập di chúc miệng.
Di chúc miệng cũng là di chúc hợp pháp nếu đúng là do người để lại di sản tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật. Sau ba tháng kể từ ngày lập di chúc miệng, nếu người lập di chúc còn sống và minh mẫn, thì coi như di chúc miệng đó bị huỷ bỏ.
Căn cứ quy định nói trên, với những thông tin bạn cung cấp không đủ cơ sở để xác định di chúc miệng của ông bạn có hợp pháp hay không. Trường hợp di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế của ông bạn để lại được chia theo pháp luật (chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết). Việc đánh giá, xác định giá trị pháp lý của di chúc thuộc về tòa án.
Về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Như vậy, thời hiệu chia thừa kế đối với di sản của ông bạn để lại vẫn còn. Do vậy, nếu một trong những người con của ông bạn khởi kiện chia thừa kế thì tòa án sẽ thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc chia thừa kế bằng hiện vật (chia đất) hay chia theo giá trị (chia tiền) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diện tích, hình thể thửa đất, lối đi, hiện trang tài sản trên đất, nguồn gốc quản lý, tạo dựng tài sản trên đất, nhu cầu sử dụng đất của những người thừa kế, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất...
Trường hợp chia theo giá trị thì người nhận thừa kế là quyền sử dụng đất sẽ phải thanh toán phần chênh lệch cho những người không được chia đất.
Trường hợp hết 30 năm kể từ thời điểm ông bạn mất mà không có ai kiện chia thừa kế thì di sản thừa kế của ông bạn thuộc về bạn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/con-gai-co-the-doi-dat-bo-da-di-chuc-mieng-cho-chau-dich-ton-4432651-p2.html