Lúc đó, sếp chỉ nói miệng mà không có thông báo chính thức hay công khai nào.
Tới mùng 10 nhận lương, tụi em biết bị trừ 70% lương của tháng trước. Tụi em ý kiến nhưng công ty không trả lời và đề nghị ký biên bản trừ lương mà không được giữ biên bản nên em chưa ký.
Trường hợp này tụi em có được đòi lại lương không? Em sợ nghỉ việc lúc này thì công ty không cắt bảo hiểm và không ký giấy xác nhận thôi việc.
Em nên làm gì?
Độc giả Lan Hương
Luật sư tư vấn:
Nội quy lao động được quy định tại Điều 118 Bộ luật Lao động:
1. Người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.
2. Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
b) Trật tự tại nơi làm việc;
c) An toàn, vệ sinh lao động;
d) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
e) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
g) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
h) Trách nhiệm vật chất;
i) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.
Về hình thức xử lý kỷ luật, Điều 124 Bộ luật này quy định có 4 hình thức gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức; sa thải.
Điều 127 quy định khi xử lý kỷ luật lao động, nghiêm cấm các hành vi dưới đây:
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Căn cứ nội dung bạn trình bày, thì có thể thấy người sử dụng lao động đã giải quyết rất tùy tiện, trái quy định của pháp luật. Cụ thể:
Thứ nhất, việc ăn uống, sử dụng điện thoại vào việc riêng trong giờ làm việc (nếu nội quy lao động có quy định) thì hành vi này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi người lao động vi phạm lần đầu thì thông thường là nhắc nhở, khiển trách. Trường hợp tái phạm có thể xử lý bằng các hình thức nghiêm khắc hơn đã được quy định trong nội quy (không được quy định trái luật) hoặc theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, khi xử lý vi phạm không có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động (công đoàn) và người vi phạm. Việc xử lý kỷ luật lao động không được lập thành biên bản cũng như không ban hành quyết định xử lý kỷ luật.
Thứ ba, việc phạt tiền, trừ lương đối với người lao động vi phạm là trái luật.
Để giải quyết tranh chấp, bạn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả lại tiền lương đã trừ. Trường hợp không được giải quyết, bạn có thể đề nghị cơ quan lao động, thương binh và xã hội cấp huyện nơi bạn làm việc để được xem xét, giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa.
Về việc nghỉ làm, bạn cần tuân thủ thời hạn báo trước theo đúng quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không giải quyết quyền lợi cho người lao động khi chấm dứt hợp động lao động (tiền lương chưa thanh toán, xác nhận đóng hiểm bảo...) thì bạn có quyền khởi kiện vụ án lao động tại tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn làm việc.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/an-qua-vat-xem-dien-thoai-trong-gio-lam-co-bi-tru-luong-cung-4795725-p2.html