Em không hiểu gì về luật nên rất hoang mang sau khi biết tin này.
Thời điểm mở quán em còn nhỏ tuổi cộng thêm tự mở tự làm nên gần như em không biết gì. Cán bộ phường làm giấy phép cho em cũng không nhắc nhở gì.
Xin hỏi giờ em có thể viết đơn xin giảm không, vì không chủ ý trốn thuế, chỉ là khi đó không biết là phải đóng. Giờ quán cà phê bé mà đóng một lúc 200 triệu đồng thì em không biết lấy đâu ra.
Em có thể trả dần được không? Xin được luật sư cho lời khuyên và chỉ dẫn cho em.
Luật sư tư vấn:
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì khi ban hành quyết định xử phạt hành vi vi phạm về quản lý thuế thì người có thẩm quyền đã cân nhắc đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của người vi phạm. Các tình tiết này cũng được nêu rõ trong quyết định xử phạt hành chính.
Hành vi vi phạm các quy định về thuế, hóa đơn không phân biệt lỗi cố ý hay vô ý. Do vậy, nếu vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định.
Về việc giảm, miễn tiền phạt, Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này được quy định như sau:
a) Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;
b) Tổ chức tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
2. Cá nhân được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc;
b) Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này nhưng gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
Về nộp phạt nhiều lần (nộp dần), Điều 79 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
b) Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Đơn đề nghị của tổ chức phải được UBND cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Điều luật còn quy định thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần; Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt; Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/no-thue-xin-tra-dan-nhu-the-nao-4908651-p2.html