Hình sự
'Xin bồi dưỡng vài đồng' mới trả sổ đỏ nhặt được, có sai không? ( 8/7/2025 )

 

Anh trai tôi đi đường nhặt được chiếc túi có 5 quyển sổ đỏ cùng một số giấy tờ quan trọng.

Thay vì đem nộp cho công an hoặc tìm cách trả lại người mất, anh tôi lại gọi điện cho chủ nhân theo thông tin trên giấy tờ và gợi ý "bồi dưỡng vài đồng", cụ thể là 10 triệu đồng. Người chủ ban đầu đồng ý hẹn gặp nhưng sau đó báo công an vì cho rằng anh tôi đang cưỡng đoạt tài sản.

Sau khi biết chuyện, cả gia đình tôi rất hoảng sợ. Chúng tôi lập tức mang 10 triệu đồng đến trả lại, đồng thời xin lỗi và mong họ rút đơn tố cáo. May mắn là phía người bị hại cũng thông cảm và rút đơn, không yêu cầu xử lý gì thêm.

Song gia đình tôi vẫn rất lo lắng. Dù đã khắc phục hậu quả, liệu anh tôi có còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trong trường hợp xấu nhất, hành vi này có thể bị xử lý về tội gì và mức hình phạt ra sao? Có khả năng anh tôi phải đi tù không, hay chỉ bị xử phạt hành chính?

Gia đình tôi thật sự rất hoang mang. Anh tôi bảo "chỉ gợi ý họ thế, được thì được không được thì thôi", cũng không cố ý đe dọa đòi hỏi. Anh tôi không có tiền án, tiền sự, chỉ là hành động nhất thời thiếu suy nghĩ.

Mong được tư vấn cụ thể để chúng tôi có thể chuẩn bị tinh thần và xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Độc giả Minh Quang

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự, người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Trường hợp chủ tài sản xin lại tài sản mà người nhặt được yêu cầu họ phải trả một khoản tiền để chuộc tài sản đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Điều luật không quy định giá trị tài sản tối thiểu phải từ bao nhiêu trở lên nên chỉ cần có hành vi dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là đã cấu thành tội phạm (có tội).

Đối chiếu các quy định nói trên, việc anh của bạn đòi tiền chuộc và đã nhận số tiền 10 triệu là đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc trả lại tiền cho chủ tài sản chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ hình phạt chứ không phải tình tiết làm thay đổi tội danh mà anh bạn đã phạm.

Trường hợp căn cứ hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra, nhân thân người thực hiện hành vi cưỡng đoạt... mà cơ quan điều tra xét thấy chưa đến mức phải khởi tố thì hành vi đòi tiền chuộc có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi"Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự" với mức tiền phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội

Nguồn: https://vnexpress.net/xin-boi-duong-vai-dong-moi-tra-so-do-nhat-duoc-co-sai-khong-4911005-p2.html

 


[In trang]