Tôi cho vay dựa trên uy tín của anh ta, chỉ có bằng chứng chuyển tiền vào tài khoản qua ngân hàng.
Nay vợ chồng anh ta chuyển đi nơi khác không biết địa chỉ nào. Xin được tư vấn, làm sao để lấy lại số tiền 2,6 tỷ đồng đã cho vay? Xin cảm ơn.
Độc giả Hà Tín
Luật sư tư vấn:
Điều 463 Bộ luật Dân sự quy định Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Pháp luật quy định hợp đồng vay có thể thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản, có thể có công chứng hoặc chứng thực. Pháp luật không bắt buộc việc vay nợ phải được lập thành văn bản.
Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi nhận thấy việc vay nợ không phải là giao dịch dân sự đơn thuần mà có dấu hiệu hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, được quy định tại các Điều 174 và 175 Bộ luật Hình sự, tùy thuộc cách thức chiếm đoạt.
Cụ thể, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi thông qua vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Việc người vay chuyển đi nơi khác mà không thông báo cho bạn địa chỉ nơi chuyển đến, bạn điện thoại cũng không liên lạc được là một trong những dấu hiệu cho thấy người vay đã bỏ trốn.
Để bảo vệ quyền lợi của mình bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan điều tra cấp huyện nơi bạn cư trú. Kèm theo đơn là xác nhận chuyển tiền của ngân hãng, các tài liệu, chứng cứ khác như tin nhắn, băng ghi âm, lời trình bày của người làm chứng... Sau khi nhận đơn, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra theo quy định.
Trường hợp có nhiều người cho vay cùng gửi đơn tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ có thêm cơ sở pháp lý để xác định người bị tố giác có hành vi phạm tội hay không, giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, khách quan hơn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/doi-tien-the-nao-khi-khong-biet-dia-chi-nguoi-vay-4670356-p2.html