Xin hỏi nếu bên thuê sau này sử dụng nhà vào việc vi phạm pháp luật thì chủ mặt bằng là em, có ảnh hưởng gì không? Hợp đồng cam kết kia có được tính là "văn bản miễn trừ trách nhiệm" cho em không?
Em xin được tư vấn và cảm ơn!
Độc giả Lư Hoàng
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự về hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê tài sản có thể thể hiện dưới nhiều hình thức như hợp đồng miệng, hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực.
Đối với hoạt động cho thuê mặt bằng, pháp luật không đòi hỏi hợp đồng phải được công chứng, chứng thực. Việc có công chứng hợp đồng hay không do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên đề nghị công chứng hợp đồng thì đòi hỏi phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mặt bằng đó.
Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản thuê để thực hiện các hành vi phạm pháp như thuê ô tô để chở hàng cấm, thuê nhà ở để tổ chức sử dụng ma túy... thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện, không liên quan đến bên cho thuê không.
Việc hợp đồng có mục bên thuê cam kết không được thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc sử dụng tài sản thì có tính chất như một cảnh báo chứ không phải là căn cứ xem xét trách nhiệm của bên thuê trước pháp luật cũng như sự liên đới với bên cho thuê.
Nói cách khác, dù cam kết hay không cam kết trong hợp đồng mà bên thuê có hành vi phạm pháp thì họ vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, đối với bên cho thuê, trong trường hợp bên thuê thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với tài sản thuê thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, tùy theo tính chất, mức độ phạm pháp của bên thuê.
Các ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến như tài sản bị niêm phong để thực hiện điều tra, bên cho thuê phải làm việc với cơ quan chức năng về quá trình cho thuê tài sản, cung cấp các thông tin liên quan như hợp đồng, tên tuổi, địa chỉ, nhân thân... của người thuê.
Các ảnh hưởng gián tiếp như giảm thu nhập từ tài sản do phải chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết (ôtô bị tạm giữ, nhà ở bị niêm phong), chi phí sửa chữa các hư hỏng về tài sản do người thuê gây ra. Thời gian nhận lại tài sản phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ cũng như kết quả điều tra.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-thue-dung-nha-vao-viec-pham-phap-chu-nha-co-bi-lien-doi-4794003-p2.html